Làm sao để luyện thi tốt ?

 LÀM SAO ĐỂ HỌC TỐT Ở ĐẠI HỌC

Kỳ thi THPT và tuyển sinh Đại học năm 2020 đã vừa kết thúc, lúc này chắc nhiều bạn trẻ đã chuẩn bị bước tới 1 bước ngoặt lớn đó chính là: Trở thành sinh viên Đại học. Cách đây 8 năm, anh trở thành sinh viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Kết quả học ở phổ thông của anh không phải là tệ (cũng thuộc top đầu của trường cấp 3) thế nhưng HỌC ĐẠI HỌC - và đặc biệt là học tại Bách Khoa - thực sự khác biệt rất nhiều. Suốt gần 1 năm đầu, anh bị sốc và cảm thấy đuối trước nhiều môn học và lượng kiến thức khổng lồ. Thật may mắn là sau đó anh cũng đã tự tìm được ra một vài phương pháp, tips nho nhỏ cho bản thân mình, giúp anh tốt nghiệp BK với điểm số tạm ổn (3.53/4.0). Sau khi ra trường, trong hơn 4 năm làm tuyển dụng tại FPT Software, mỗi năm anh tiếp xúc với khoảng hàng trăm đến vài ngàn bạn sinh viên. Anh nhận thấy rất nhiều bạn sinh viên năm 3-4 khi đi thực tập và cả những bạn đã chuẩn bị tốt nghiệp vẫn băn khoăn và loay hoay chưa tìm được cách học đúng cho bản thân mình.
Hôm nay, trước thềm một năm học mới chuẩn bị bắt đầu, anh xin phép được gửi tới các bạn một vài dòng chia sẻ tổng hợp những điều mà anh đã tự ngộ ra khi đi tìm phương pháp học cho mình, cũng như học hỏi được từ những người xung quanh. Bài viết mang tính quan điểm cá nhân và tổng hợp thêm từ một số nguồn hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn.
Bài viết này dành cho ai?
- Các bạn học sinh THPT đang chuẩn bị bước vào cánh cửa Đại học
- Các bạn sinh viên năm 2-3-4 đang học ở các trường đại học hay kể cả các bạn SV năm cuối, mới tốt nghiệp đang chưa tìm được định hướng cho mình. Không có gì là quá muộn để bắt đầu.
- Nếu bạn đã có phương pháp học tập cho mình thì hãy cùng đọc, suy ngẫm và chia sẻ thêm các câu chuyện về cách học của chính mình nhé!
HỌC TỐT ở Đại học là như thế nào?
Học như thế nào là tốt?
Liệu điểm số cao có phải là học tốt?
Hay hiểu sâu các kiến thức và áp dụng được vào thực tế mới là học tốt?
Rõ ràng chúng ta đều biết, điểm số không phải là tất cả. Tuy nhiên, dưới con mắt nhà tuyển dụng, khi nhìn vào CV của 1 bạn sinh viên xin đi thực tập hay 1 bạn mới tốt nghiệp - khi mà các kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều - thì điểm trung bình (GPA/CPA) có thể coi là tấm vé thông hành của các bạn ứng viên. Một điểm số tốt không hoàn toàn minh chứng cho ứng viên có kỹ năng chuyên môn tốt, nhưng ít nhất là bằng chứng tốt cho những cố gắng, nỗ lực, khả năng vượt qua áp lực và giải quyết vấn đề của mỗi người.
Chúng ta hãy xét hai sinh viên A và B vừa mới tốt nghiệp.
A tốt nghiệp với điểm số xuất sắc, điểm các môn thường xuyên ở TOP đầu, nhận được rất nhiều bằng khen, học bổng... Dĩ nhiên, có người sẽ cho rằng bạn ấy học gạo và sống chết vì điểm số trong suốt 4-5 năm qua. Nhưng với một điểm số tốt, cơ hội để được học bổng học lên cao hơn, hoặc đi du học, hoặc được tuyển thẳng vào các công ty - tập đoàn lớn của A là vô cùng rộng mở.
Trong khi đó, B có điểm số không mấy ấn tượng. Bạn ấy lý giải rằng thời gian học đai học được bạn dùng để tập trung rèn luyện kiến thức chuyên ngành, kể cả những kiến thức bên ngoài phạm vi giảng dạy ở trường, tự học thêm nhiều khóa học cho công việc trong tương lai và đi thực tập, làm việc sớm ở các doanh nghiệp. Vì vậy, B không quan tâm nhiều đến các kỳ kiểm tra. Chưa kể các môn đại cương, hoặc các môn không liên quan nhiêu đến chuyên ngành được B bỏ qua hoặc học chỉ đủ điểm qua nên kết quả chung cũng sẽ không quá tốt. Dĩ nhiên, cũng có người cho rằng điểm số ấy sẽ khiến B mất nhiều thời gian hơn đối với nhà tuyển dụng. Nhưng dù sao, với các kiến thức chuyên ngành & kỹ năng chuyên môn tốt, chắc chắn bạn ấy cũng sẽ có một công việc tốt trong tương lai.
Thật ra, bạn chỉ cần đạt được thành tích như một trong hai người trên đã là học tốt rồi. Nếu đạt được cả hai, bạn có thể tự hào rằng mình đã học rất tốt.
Điểm số và kiến thức thực tế chính là 02 tham số quan trọng để đánh giá 01 sinh viên có phải HỌC TỐT hay không.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng, Đại học không phải là nơi chỉ cho bạn cách giải quyết 01 vấn đề cụ thể như thế nào mà là nơi để giúp chúng ta hình thành TƯ DUY GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. Vì vậy, hãy đừng coi thường bất kỳ một môn học nào, bởi vì rất có thể những thứ bạn coi là viển vông, khô khan, không có áp dụng thực tế lại là thứ nền tảng giúp giải quyết những bài toán hóc búa trong tương lai.
Vậy những bí quyết nào để có thể học tốt ở đại học?
#1 TỰ HỌC, TỰ HỌC VÀ TỰ HỌC
Không chỉ ở đại học, mà ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, kỹ năng tự học luôn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất.
Khối lượng kiến thức ở các môn tại đại học là khổng lồ. Có những môn giáo trình dày cả vài trăm đến hàng ngàn trang. Mỗi buổi 3 tiết ở trường phải học xong cả một đến hai chương, giảng viên viết kín 12 mặt bảng hoặc trình chiếu đến cả vài chục slide.
Chưa kể, với thời đại 4.0 hiện nay, kiến thức thay đổi chóng mặt cùng với sự phát triển của mạng Internet. Đặc biệt nếu bạn đang học CNTT thì mọi thứ còn thay đổi nhanh hơn nhiều. Phần cứng, cụ thể là vi xử lý, phát triển theo định luật Moore, cứ mỗi 18 tháng thì tốc độ CPU tăng gấp đôi. Đây là sự phát triển cực nhanh nếu so với những ngành nghề khác. Nhưng đó cũng chưa phải là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất. Phần mềm còn phát triển nhanh hơn, bởi vì bạn luôn thấy phần cứng ra đời là để đáp ứng nhu cầu của phần mềm...
Bạn làm gì để theo kịp tốc độ đó? Chỉ có thể là tự học.
Bạn là người thầy giáo tốt nhất cho chính mình, và sách (cùng với Internet, Google…) là phương tiện để người thầy đó truyền đạt kiến thức cho bạn.
Với mỗi môn học, hãy tự mình đọc, nghiền ngẫm giáo trình và một vài tài liệu liên quan. Từ đó viết ra Mindmap hoặc đề cương cho môn học ấy. Lên kế hoạch để học và thực hành nhiều nhất có thể. "Nước đến chân mới nhảy, bạn sẽ nhảy vào vũng nước. Muốn nhảy thật xa, bạn phải lấy đà từ trước!"
Bên cạnh đó, hãy áp dụng các phương pháp như Pomodoro – 25’ tập trung xen kẽ với nghỉ ngơi trong quá trình học tập, cho não nghỉ, ngủ đủ giấc và thư giãn để tăng hiệu quả.
#2 HÃY HỌC THEO NHÓM
Học nhóm (group-study) được đề cập rất nhiều ngay từ thời chúng ta còn học phổ thông. Nhưng vào thời điểm đó, học nhóm hay không học nhóm, điều đó không mấy khác biệt. Có khác biệt chăng là ta có nhiều cơ hội để chơi đùa với bạn bè hơn 😎 Nhưng ở môi trường đại học, đây là yếu tố vô cùng quan trọng.
Tỷ phú Warren Buffett đã từng nói "Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau". Học nhóm chính là cách để giảm việc nhàm chán của tự học, giúp chúng ta rút ngắn thời gian trước những vấn đề khó. Chưa kể rằng, việc học nhóm và giảng dạy, giải thích lại các kiến thức cho người khác còn giúp chúng ta ghi nhớ kiến thức ấy gấp nhiều lần so với tự đọc và nghiên cứu một mình.
Trước hết về thi cử và điểm số, hỗ trợ nhau học tập sẽ đem lại những lợi ích lớn lao cho mỗi thành viên. Đây là cách thức hiệu quả nhất để bạn có được điểm số cao trong học tập. Có một số người rất thông minh (theo đánh giá của bản thân họ và của những xung quanh), nhưng thi cử lại rất lận đận. Có một số người rất chăm chỉ, nhưng điểm số cũng không được như ý. Bởi vì họ chưa biết cách học và thi cho thật tốt. Bí quyết đơn giản nhất để có được điểm cao trong các kỳ thi là phải “luyện” thật nhiều.
Luyện gì ư? Hãy luyện các đề thi. Bạn có thể tìm thấy đề thi các năm trước ở các tiệm photo trong trường. Xem qua chúng và giải các bài trong đó, với phương châm: nhiều hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Hình thức học thi tốt nhất là mỗi người tự giải đề thi ở nhà rồi gặp nhau ở một số buổi. Trong những buổi này, ngoài việc trao đổi kết quả, các thành viên còn chỉ bảo cho nhau những kỹ thuật đặc biệt giúp tăng tốc, hoặc giảm thiểu sai sót khi làm bài.
Với những môn liên quan nhiều đến thực hành - đặc biệt là lập trình, việc luyện tập coding thật nhiều, viết code sao cho người khác dễ hiểu, hoặc thực hiện Unit test cho bạn mình cũng sẽ giúp kỹ năng của bạn tốt lên rất nhiều.
Một lợi ích không thể không nhắc đến của việc cùng học và luyện thi cùng nhau là nó sẽ thúc đẩy các thành viên chăm chỉ hơn. Sự ganh đua, hợp tác sẽ giúp mọi người cảm thấy việc giải một số lượng lớn các bài tập trong một thời gian ngắn đỡ nhàm chán hơn so với khi làm một mình.
Một nhóm học tập hoạt động hiệu quả sẽ giúp các thành viên biết làm đúng việc vào đúng thời điểm. Chẳng hạn, câu hỏi "Nên học ngôn ngữ lập trình nào?" là thắc mắc thường thấy nhất của sinh viên năm một, năm hai. Nếu chỉ có một mình, bạn có thể sẽ loay hoay mãi với câu hỏi này, hoặc sự lựa chọn của bạn là không chính xác, hoặc bạn đã học được đúng ngôn ngữ cần thiết những chưa đạt được đến độ sâu kiến thức. Giáo viên hay những sinh viên khoá trên cũng có thể giúp đỡ, nhưng sẽ không hiệu quả bằng bạn bè cùng giúp đỡ lẫn nhau. Bởi vì người hiểu khả năng của bạn nhất chính là bản thân bạn, người thứ hai là người thường xuyên làm việc với bạn. Người giỏi mấy nhưng không hiểu về bạn thì khó có thể đưa ra một lời khuyên phù hợp được. Cùng nhau học, cùng nhau nghiên cứu về các công nghệ, hay ngôn ngữ lập trình, framework mới sẽ giúp mỗi người hiểu và giải quyết các khó khăn dễ dàng hơn.
Tuy nhiên hãy cần phải nhớ rằng, học nhóm sẽ chỉ hiệu quả khi mà mỗi thành viên của nhóm có chung mục tiêu và phải thật kiên trì hướng tới mục tiêu chung đó.
Hãy "chọn bạn mà chơi" rồi cùng với bạn của mình đặt nhưng mục tiêu chung và cùng thực hiện nó. Bạn sẽ thấy mọi việc thú vị và dễ dàng hơn nhiều. Bên cạnh đó, một nhóm bạn học tốt cũng sẽ rất có thể giúp đỡ nhau trong công việc sau này hoặc cùng nhau phát triển các ý tưởng thành các startup thành công!
#3 HỌC CÁCH HỎI và HÃY HỎI THẬT NHIỀU
"No such thing as a stupid question - Không có gì là một câu hỏi ngu ngốc". Việc tìm kiếm kiến ​​thức bao gồm thất bại, thử và sai. Đừng nên chỉ vì bạn có thể biết ít hơn những người khác hoặc chưa hiểu mà ngại hỏi hoặc giả vờ như biết rồi.
Với mỗi môn học hãy vẽ một sơ đồ tư duy (mindmap) thật lớn, tóm tắt tất cả các chương, các bài lên một tờ giấy lớn, mỗi môn một tờ. Đây là “bản đồ môn học”. Trước khi tới lớp, hãy xem lại “bản đồ môn học”, mang theo một vài câu hỏi nào đó bạn còn băn khoăn. Mỗi bài giảng luôn đặt ít nhất một câu hỏi. Sau đó, một lần nữa trong lớp.hãy xem xét kĩ lưỡng những tài liệu mà giảng viên đề cập, điều chỉnh và trau chuốt những câu hỏi cho phù hợp. Cuối cùng chừng nào bạn thấy câu hỏi của mình có ý nghĩa và làm rõ một điểm quan trọng nào đó trong bài giảng,hãy đặt câu hỏi.
Cách làm này không chỉ giúp bạn củng cố hiểu biết, mà còn khiến bạn tập trung và tỉnh táo suốt buổi học. Ngoài ra, các thầy cô cũng rất thích sinh viên chủ động, nên đừng ngại ở lại hỏi han. Có thể câu hỏi của bạn sẽ khơi gợi cảm hứng để thầy cô chia sẻ thêm nhiều kiến thức khác nữa mà không có trong bài giảng chuẩn bị ban đầu.
#4 CHỦ ĐỘNG TIÊN PHONG LÀ NGƯỜI DẪN DẮT
Trên đại học, có một thứ mà bạn muốn tránh cũng không được. Đó là làm việc nhóm, thuyết trình. Rất nhiều bạn sợ hai món này, mà quên rằng đó là cơ hội tuyệt vời để rèn sự tự tin, luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Nên mỗi khi cơ hội tới, hãy nắm lấy nó!
Tất nhiên, sẽ có những lúc bạn ngại, vì đó là việc bạn chưa bao giờ làm. Song đừng đổ lỗi rằng bạn không có kinh nghiệm, Dù thất bại, hay thành công, thì cũng đều là kinh nghiệm. Và khi thực hiện, đừng để mình bị lu mờ, hãy chọn một trong ba vị trí sau, sẽ cực kỳ có lợi cho bạn. Theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.
1 – Nhóm trưởng: Cái này tuy khó, song sẽ luyện cho bạn cả một kho kỹ năng. Thậm chí là tất cả mọi kỹ năng, kể cả trong trường hợp bạn có trong tay những nhóm viên lười biếng ^^! Đôi khi bạn sẽ phải "gánh team" nhưng đó cũng là cách rèn luyện để chịu đựng với áp lực sau này.
2 – Thuyết trình: Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn để lại dấu ấn với thầy cô, bạn bè. Nếu là người thuyết trình chắc chắn bạn cũng sẽ phải đọc và hiểu rất sâu về các nội dung của cả nhóm, đồng thời sẽ rèn luyện được kỹ năng giao tiếp và trình bày vấn đề mạch lạc.
3 – Thư ký: Tổng hợp lại tài liệu từ mọi người, biên soạn, chỉnh sửa chúng trước khi nộp, thiết kế slide. Vị trí này giúp bạn rèn luyện tư duy tổng hợp, khả năng viết lách, con mắt thiết kế.
.....
Có lẽ sẽ còn rất, rất nhiều Tips để học tốt ở đại học.Nhưng bài viết cũng đã dài nên có lẽ xin phép các bạn hãy cùng chia sẻ thêm trong những dịp khác.
Hãy luôn nhớ rằng: Sinh viên là thời kỳ vàng để "đầu tư".
Tại sao khi ra trường, có bạn phát triển nhanh chóng; nhưng cũng bạn lận đận mãi vẫn chưa tìm được hướng đi đúng cho bản thân? Bỏ qua yếu tố "nhà mặt phố - bố làm to" và IQ hay EQ cao từ nhỏ, thì phần lớn sự khác biệt nằm ở cách các bạn đã "đầu tư" thời sinh viên của mình như thế nào? Sinh viên hay được mặc định là nghèo, nhưng thời gian chính là một dạng vốn, chẳng khác gì tiền mặt. Và sinh viên thì rất giàu cái này.
Nếu bạn đầu tư nó vào hoạt động có ích, nó sinh lời cho bạn bằng những kiến thức và trải nghiệm mới, và cả tiền nữa (nếu bạn lao động).
Nếu bạn đầu tư nó vào hoạt động vô bổ, nó làm bạn tổn thất đấy vì loại vốn này đặc biệt, mất là mất hẳn, không lấy lại được.
Nếu bạn không chịu đầu tư, bạn chậm phát triển và sẽ đi chậm hơn chính những người bạn ở xung quanh mình.
Chuyện ngủ hai giấc hoặc chơi ba ván game online hết veo 4 năm đại học là hoàn toàn có thật! Bởi vậy hãy tận dụng thật tốt thời gian học tập của mình khi đang ngồi trên ghế giảng đường và tự xây dựng cho mình một phương pháp học tập hiệu quả nhất!
Cùng comment cách học của bạn và chia sẻ bài viết với những bạn bè của mình nhé!
Nguồn: Anh Đào Việt Bách /Group Sinh viên thực tập - FPT Software


Post a Comment

Previous Post Next Post