NẾU MỖI THỨ MÌNH BIẾT MỘT CHÚT THÌ PHẢI LÀM SAO
Vào một buổi phỏng vấn vị trí intern cách đây 2 năm, mình được nhà tuyển dụng hỏi rằng: “Em có những kỹ năng gì?”
Lúc ấy, mình rất hồ hởi và tự tin đáp: “Cái gì em cũng biết làm, từ content, design, edit video đến đối ngoại vân vân và mây mây”
Chị HR ra chiều rất thích thú và đào sâu thêm: “Vậy chuyên môn của em là gì?”
Nghe được câu hỏi này, mình không biết đáp trả ra sao vì chính bản thân mình cũng chẳng biết bản thân mình mạnh nhất là kỹ năng nào. Buổi phỏng vấn kết thúc và mình không nhận được bất kì một chiếc mail trúng tuyển nào sau đó vì họ có những ứng viên tiềm năng hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn mình. Mình còn nhớ mãi câu nói của chị ấy: “CV của em rất dài, nhưng mỗi chỗ em đều làm một công việc khác nhau, chị không biết sắp xếp công việc nào hợp lý cho em cả”
Khoảnh khắc ấy khiến mình nhận ra rằng, hóa ra bản thân việc biết nhiều thứ đôi khi không phải là điểm mạnh mà đó là một con dao hai lưỡi. Giống như khi bạn đang đứng giữa muôn vàn lối rẽ, lối nào bạn cũng muốn đi nên chẳng biết chọn lối nào để tới đích. Và rồi khi mọi người đã bỏ qua bạn một quãng đường rất xa thì bạn vẫn đang mắc kẹt ở vạch xuất phát.
Để thực sự xuất chúng ở một chuyên ngành nào đó, bạn cần bỏ ra ít nhất 10,000 giờ. Nếu thời gian luyện tập 1 kỹ năng của bạn khoảng 8 tiếng/ngày thì bạn cần ít nhất 3 năm để thành thạo kỹ năng đó. Thế nhưng nếu trong 1 ngày bạn mổ xẻ 8 tiếng đó cho 3-4 kỹ năng thì bạn sẽ mất ít nhất 9-12 năm. Nghĩa là khi mọi người đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, bạn vẫn đang trong quãng thời gian bắt đầu của cuộc hành trình.
Mình cũng đã từng là một người multitasking - Mình biết chụp chỉnh ảnh, quay dựng video, viết kịch bản, xin tài trợ… Mình biết sử dụng đủ loại phần mềm từ Photoshop, AI, Premiere, Lightroom, Proshow… Thế nhưng mình chỉ biết “sương sương”, tức là có thể thực hiện những tác vụ cơ bản nhưng những thứ chuyên sâu hơn thì mình… chịu. Vậy nên những kỹ năng này chỉ giúp mình ứng tuyển vào CLB hay những công việc part-time đơn giản, còn để thực tập hay xin việc ở những công ty có quy mô lớn thì không thể.
Sau “cú sốc đầu đời” ấy, mình nhận ra bản thân cần nhìn nhận lại năng lực của bản thân. Thú thật là điều ấy rất khó bởi vì chính mình cũng chẳng biết bản thân thích và giỏi gì nữa. Mình nhìn mọi người bằng con mắt ngưỡng mộ, tại sao họ có thể nhìn được bản thân giỏi ở đâu và cứ thế tiến lên thôi… Còn mình thì…
Và cuối cùng, mình đã chọn thử một kỹ năng mà mình có vẻ nhỉnh hơn một chút đó là viết. Ví dụ mọi kỹ năng khác thang điểm 5/10 thì kỹ năng viết và trình bày ý tưởng của mình khoảng 6/10. Thêm vào đó đặc thù của mình là dân xã hội (mình học khối C và chuyên ngành báo chí) nên cơ hội được trau dồi và đào tạo sẽ cao hơn các kỹ năng khác.
Mình đặt mua thêm vài cuốn sách về content như Content đúng là king, Content bạc tỷ… để tìm hiểu sâu hơn về mảng sản xuất nội dung. Mình cũng tìm thêm 2 công việc part-time liên quan tới xây dựng cộng đồng và content để có cơ hội được thực hành nhiều hơn. Và sau một vài tháng, mình đã được anh chị đi trước có lời khen rằng kỹ năng viết tiến bộ rất nhiều và có một vài bài viết được cộng đồng mạng đón nhận nhiệt tình. Lúc ấy mình cảm thấy rất vui, mình vẫn có cơ hội được thực hiện việc design và quay chụp, nhưng nó chỉ là một kỹ năng bổ trợ cho công việc chính. Và việc được thực hiện tất cả những điều mình thích thực sự rất rất vui.
Có lẽ điểm may mắn của mình là các kỹ năng bản thân sở hữu đều có sự liên kết nhất định với nhau, nhưng suy cho cùng, mình nghĩ điểm then chốt nằm ở việc bạn SẮP XẾP ĐƯỢC CÁC KỸ NĂNG CHÍNH - PHỤ để chúng phát triển một cách hài hòa và bổ trợ cho nhau nhuần nhuyễn.
Nếu như bạn thực sự không biết đâu kỹ năng mình “có vẻ nhỉnh hơn một chút” để đào sâu thêm thì có thể nhìn vào những yếu tố bên ngoài, ví dụ như xã hội cần gì, doanh nghiệp cần gì, công việc yêu cầu cao nhất điều gì… để có thể làm căn cứ xác định. Điều này không khó, chỉ cần bạn chịu ngồi xuống và dành khoảng 2-3 tiếng tìm hiểu các trang báo mạng, các group - web tuyển dụng là sẽ ổn thôi.